Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 60 km, du lịch Bắc Giang là lựa chọn thú vị cho bạn vì đây là vùng có nền văn hóa lâu đời, có sự đa dạng về văn hóa dân tộc, cảnh sắc thiên nhiên nhiều nét hoang sơ, chưa chịu nhiều tác động của con người. Hôm nay, Check in Việt Nam sẽ chia sẻ tới bạn những thông tin cần thiết trước khi tham quan, du lịch Bắc Giang nhé!
Giới thiệu về tỉnh Bắc Giang
Bắc Giang ở đâu? Lịch sử hình thành như thế nào?
Là một tỉnh thuộc vùng trung du miền núi phía bắc, Bắc Giang nằm ở phía Đông Bắc của thủ đô Hà Nội. Phía Đông giáp với Quảng Ninh; phía Nam giáp Bắc Ninh và Hải Dương; phía Tây giáp Thủ đô Hà Nội và Thái Nguyên; phía Bắc giáp với tỉnh Lạng Sơn.
Bắc Giang là một vùng đất cổ, từ thời Hùng Vương, vùng đất này thuộc bộ Võ Ninh. Đền đời Lý – Trần đã được gọi là Bắc Giang, theo lý giải gọi tên như vậy thì vùng đất này nằm ở phía bắc của con sông, sau này Bắc Giang được ghép vào với Bắc Ninh cũ.
Theo lịch sử, ngày 10-10-1895, tỉnh Bắc Ninh cũ được chia tách làm hai và tỉnh Bắc Giang được thành lập từ đó. Năm 1962, Bắc Giang lại được ghép với Bắc Ninh gọi là tỉnh Hà Bắc. Đến năm 1997, thì tái lập lại và lấy ngày 10/10 lấy làm ngày kỷ niệm thành lập tỉnh Bắc Giang. Hiện tại, Bắc Giang đang có 9 huyện và 1 thành phố là thành phố Bắc Giang.
Khí hậu thời tiết và cảnh quan thiên nhiên
Bắc Giang mang tính chất khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc trưng của vùng Đông bắc. Một năm có bốn mùa rõ rệt. Mùa đông lạnh, mùa hè nóng ẩm, mùa xuân, thu khí hậu ôn hòa. Nhiệt độ trung bình 22 – 23 độ C, độ ẩm dao động lớn, từ 73 – 87%, riêng huyện Lục Ngạn là huyện có mùa khô lạnh kéo dài hơn những nơi khác do đây là vùng thung lũng khuất gió.
Là vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng và miền núi, Bắc Giang có những cảnh quan thay đổi theo tính chất địa hình, tạo nên sự đa dạng về mặt cảnh quan cho tỉnh.
Văn hóa và con người
Bắc Giang là một vùng văn hóa cổ, qua những di chỉ khảo cổ thì vùng đất này có sự xuất hiện của con người từ thời kì đồ đá và đồ đồng.
Nơi đây có con sông Cầu nước chảy lơ thơ làm nên vùng văn hóa Kinh Bắc, hiện tại Bắc Giang có 23 làng Quan Họ cổ ven sông vẫn ngân nga câu hát. Năm 2009, Quan họ Bắc Giang – Bắc Ninh đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đây là vùng đất hội tụ văn hóa của nhiều vùng đất, từ xa xưa, nhân dân các tỉnh như Hải Dương, Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Bình,… đã lên đây khai hoang lập nghiệp tại vùng đất này. Và khi lên đến đây, họ cõng theo tên làng, tên xã, bạn sẽ bắt gặp một số cái tên rất quen thuộc như Lai Cách vốn là một thị trấn của Cẩm Giàng – Hải Dương, người dân Lai Cách lên Bắc Giang khai hoang đã đặt tên xã mình là tên quê gốc của họ…
Bắc Giang là vùng giao thoa văn hóa của người Việt cổ và văn hóa Tày – Nùng. Đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ (Cao Lan),… với những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc đã tạo cho Bắc Giang một nền văn hóa đa dạng, giàu tiềm năng phát triển sinh thái, cộng đồng.
Giới thiệu du lịch Bắc Giang
Được thiên nhiên ưu đãi, có hệ thống rừng lớn và bàn tay lao động sáng tạo của mình, Bắc Giang mang lại nhiều giá trị cảnh quan tuyệt đẹp. Có thể nhắc đến một số điểm đến như: Rừng nguyên sinh Khe Rỗ, Đồng Cao, hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, thác Ba Tia,…
Là một vùng văn hóa cổ, Bắc Giang còn có những điểm tham qua tâm linh như chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử, khu du du lịch tâm linh suối Mỡ,… những điểm du lịch văn hóa – lịch sử như thành cổ Xương Giang, khu di tích khởi nghĩa Yên Thế, đình làng Thổ Hà, lăng Đinh Hương, đình Lỗ Hạnh, thôn Bắc Hoa của đồng bào người Nùng, bản Đá Húc của đồng bào người Cao Lan,…
Lễ hội là điều không thể thiếu đối với người dân Bắc Giang, theo thống kê thì Bắc Giang có hơn 500 lễ hội cả truyền thống và hiện đại. Bạn có thể ghé thăm vùng đất này vào các dịp lễ hội như hội chùa Vĩnh Nghiêm, lễ hội Cầu Vồng, lễ hội Xương Giang,… Để phát triển kinh tế của địa phương, Bắc Giang còn tổ chức một số lễ hội nhằm thúc đẩy quảng bá hình ảnh địa phương như lễ hội Hoa Quả huyện Lục Ngạn với quy mô lớn nhất miền Bắc.
TOP 10 điểm đến du lịch Bắc Giang thú vị nhất 2021
1. Đồng Cao
Đây là địa điểm rất tuyệt vời của những bạn thích đi du lịch bụi. Đồng Cao nằm ở độ cao gần 1000m so với mực nước biển, thuộc bản Gà, xã Thạch Sơn, huyện Sơn Động.
Đến đây, thời điểm đẹp nhất là lúc bình minh và hoàng hôn. Mặt trời bắt đầu đi xuống và hiện lên giữa những ngọn núi, những ngọn cỏ xanh mướt trải dài tít tắp. Bạn có thể tổ chức cắm trại, ăn uống tại đây, tuy nhiên ở khu vực này chưa có nhiều dịch vụ nên bạn cần phải chuẩn bị đồ dùng từ trước nhé!
2. Chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Vĩnh Nghiêm hay còn gọi là chùa Đức La, nằm ở làng Đức La, xã Yên Trí, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, cách Hà Nội khoảng 73Km, gần hai giờ lái xe. Đây là một ngôi chùa cổ linh thiêng bậc nhất xứ Kinh Bắc, người xưa đã có câu:
“Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm
Vĩnh Nghiêm chưa đến thiền tâm chưa đành”
Chùa Vĩnh Nghiêm được coi là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm, là trường đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam và là trung tâm Phật giáo thời Trần. Năm 2012, với các giá trị khoa học, lịch sử đặc sắc, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nếu có dịp du lịch Bắc Giang, thì đây là điểm đến bạn không nên bỏ lỡ nhất trong chuyến hành trình của mình.
3. Thành cổ Xương Giang
Bắc Giang là một vùng đất cổ, nơi có truyền thống lịch sử đấu tranh gắn bó cùng cả nước trong suốt hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của người Việt. Thành cổ Xương Giang chính là công trình lịch sử được quân Minh xây dựng vào thế kỷ thứ XV (1407).
Năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn – Lê Lợi do tướng Trần Nguyên Hãn chỉ huy, chiếm thành Xương Giang và phá tan đạo quân của Liễu Thăng. Trận chiến kéo dài hơn một năm, đến thắng 10 năm 1428, nghĩa quân Lam Sơn giành chiến thắng, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử, lật đổ ách thống trị bạo tàn của nhà Minh kéo dài 20 năm và là chiến thắng quyết định cho nền độc lập của dân tộc ta ở thế kỷ thứ XV.
Thành Xương Giang được coi như trung tâm của chiến trận lịch sử ấy và sau đó còn chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của quê hương đất nước, nhất là cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Hữu Cầu xảy ra vào nửa sau thế kỷ 18. Nếu bạn đi du lịch Bắc Giang vào ngày 6-7 tháng Giêng, thì bạn sẽ được hào vào bầu không khí hào hùng của lễ hội đền Xương Giang.
4. Đình – làng Thổ Hà
Đình Thổ Hà là một ngôi đình cổ nằm ở thôn Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đây được xem là nơi lưu giữ hồn cốt bờ bắc sông Cầu. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, đình – làng Thổ Hà còn lưu giữ trong mình nét trầm mặc của những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc.
Trong đình thờ Thành hoàng làng là Thái Thượng Lão Quân, còn gọi là Lão Đam hoặc Lão Tử. Ông có nhiều ông lao trong việc diệt ma quỷ do vậy được vua phong là Thượng đẳng thần và Thành hoàng Thái thượng, cho phép làng Thổ Hà lập miếu phụng thờ. Do vậy dân làng đã tôn ông lên làm Thành hoàng, phù trợ cho cuộc sống của dân làng bình an, hạnh phúc.
Đến đây, bạn có thể đi dạo quanh làng cổ, thắp nén nhanh tại chùa Thổ Hà hay ghé thăm làng nghề làm gốm và bánh đa nem Thổ Hà nổi tiếng gần xa. Nơi đây mang đậm những nét đẹp cổ kính của một làng quê thuần Việt với cây đa – bến nước – sân đình, một quần thể kiến trúc, văn hóa, cảnh quan hết sức độc đáo mà nơi này gìn giữ được trong xã hội hiện đại tấp nập, hối hả.
5. Đình Lỗ Hạnh
Đình còn có tên gọi khác là đình Đông Lỗ, ngôi đình được xem là “Đệ nhất xứ Kinh Bắc”. Trong đình thờ Cao Sơn Đại Vương và Phương Dung Tiên Chúa, đây là 2 vị thần có công với nước, với dân thời Vua Hùng.
Hiện tại, đình còn lưu giữ rất nhiều những hiện vật cổ có giá trị to lớn như: bức tượng Phương Dung Tiên Chúa, bài vị của Cao Sơn Đại Vương, hai bức tranh sơn mài “bát tiên” đang vui vẻ ca hát, đôi nghè gỗ sơn son thếp vàng từ thế kỷ 17… và đặc biệt là bức chạm tiên gảy đàn đáy minh chứng cho đây từng là một trong những cái nôi của nghệ thuật ca trù.
Hiện nay, đình Lỗ Hạnh ngoài là nơi thờ cúng đây còn là nơi luyện hát ca trù của người dân quanh vùng. Du lịch Bắc Giang vào những dịp cuối, đầu xuân, bạn có thể gặp các CLB Ca Trù biểu diễn loại hình nghệ thuật độc đáo này.
6. Hồ Cấm Sơn
Đây là công trình thủy nông lớn thứ 4 của cả nước (sau hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh, hồ Phù Ninh ở Quảng Nam và hồ Kẻ Gỗ ở Hà Tĩnh), với diện tích khoảng 2650ha, hồ Cấm sơn là công trình cung cấp nước tưới nông nghiệp, nước sạch sinh hoạt, điều hòa khí hậu và phân lũ cho các huyện trong tỉnh,…Bên cạnh đó, nguồn thủy sản tại hồ rất lớn, có nhiều loài cá có giá trị kinh tế như cá vược, cá lăng, cá chiên,…đặc biệt là cá tầm, loài cá sống ở vùng nước sâu và lạnh.
Năm 1971, trong chuyến đi thực tế tại hồ Cầm Sơn, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã sáng tác ra bài hát “Hồ Trên Núi”. Với ca từ giản dị mang âm hưởng quan họ, bài hát đa miêu tả lại khung cảnh bình yên, trong xanh, huyền ảo của hồ nước, đi vào lòng bao thế hệ người nghe.
Đến với hồ Cấm Sơn, bạn có thể ghé thăm các bản làng của người Nùng, Tày, Cao Lan, Dao, Sán Chỉ,… để tìm hiểu văn hóa đặc sắc, nghe những điệu hát Sli, Shoong Hao đằm thắm, hay thưởng thức những món đặc sản chế biến theo cách của dân tộc bản địa.
7. Khu du lịch tâm linh và danh thắng Tây Yên Tử
Trong khu du lịch và danh thắng Tây Yên tử hiện đang chia làm 3 phân khu, gồm: Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử và Chùa Vĩnh Nghiêm.
Khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử: đây là một không gian văn hóa – Phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử với những giá trị đặc sắc của khu du lịch văn hóa tâm linh tỉnh Bắc Giang. Công trình được xây dựng nhằm tái hiện con đường hoằng dương phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông trên cơ sở vừa khai thác, vừa phát huy giá trị phong phú về các nguồn tài nguyên thiên nhiên sinh thái của vùng núi Tây Yên Tử, là phương thức du lịch và ý nghĩa của “Du lịch sinh thái, tâm linh” Tây Yên Tử.
Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử chia làm 4 cụm chùa độc lập gồm: chùa Trình, chùa Hạ (chùa Phật Quang), chùa Trung, chùa Thượng (chùa Kim Quy) và nhiều công trình phụ như cổng Tam quan của khu du lịch, những bước tượng về quá trình hoằng hương của Phật hoàng Trần Nhân Tông, nhà ga cáp treo,…Công trình hiện vẫn đang trong giai đoạn thi công, dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành tương lai sẽ là khu du lịch trọng điểm của du lịch Bắc Giang.
Khu bảo tồn thiên nhiên có nhiều tiềm năng của du lịch Bắc Giang. Hiện tại, khu bảo tồn đang khai thác 4 tuyến du lịch sinh thái, gồm:
- Tuyến Đồng Thông – Chùa Đồng (Yên Tử): Đây là tuyến được khai thác nhiều nhất, đặc biệt là từ năm 2018, Khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử được UBND tỉnh Bắc Giang bắt đầu hoạt động. Trên tuyến đường này, bạn sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa – Phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử với những giá trị đặc sắc của khu du lịch văn hóa tâm linh, tuyến đi từ khu sinh thái Đồng Thông và khu du lịch tâm minh Tây Yên Tử đang trở thành sản phẩm du lịch quan trọng của tỉnh Bắc Giang.
- Tuyến du lịch thăm thác Ba Tia: Tuyền này khá ngắn, bạn sẽ đi bộ khoảng 2 km đường rừng, ngược dòng suối Vàng, thuộc xã Thạch Luận, Sơn Động là bạn đã có thể tận mắt thấy thác Ba Tia. Địa điểm này khác thích hợp để tổ chức dã ngoại, nướng gà,…
- Tuyến du lịch làng Biểng – Vũng Tròn – Khe Rỗ: Đi theo tuyến này là bạn có cơ hội được trải nghiệm nét văn hóa của các bản làng người Kinh, Tày, Dao và Hoa với bản sắc văn hóa và phong tục tập quán riêng biệt mà vẫn hoà đồng bao đời sống quần tụ gắn bó bên nhau.
- Tuyến Nước Vàng – Thác Giót: Du lịch theo tuyến này bạn sẽ đến với dòng suối rất lạ, từ ngàn đời mãi tuôn chảy miệt mài với dòng nước ruộm vàng óng ánh mượt như mật ong rừng. Bạn sẽ được tới thăm 2 cây Trò nâu cổ thụ có tuổi đời gần 600 năm tuổi và ngắm nhìn dòng thác Giót cao tới vài chục mét, bốn mùa mãi tuôn chảy một làn nước như mưa bụi tựa dải yếm trắng mơ màng vắt trên đỉnh núi.
8. Khu du lịch Suối Mỡ
Nhắc đến du lịch Bắc Giang thì chắc chắn không thể bỏ qua Suối Mỡ. Nơi đây là sự kết hợp hài hòa giữa du lịch sinh thái và du lịch tâm linh. Suối Mỡ chảy quanh co trong thung lũng núi Huyền Đinh.
Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên hùng v,ĩ hoang sơ, xanh mát bên dòng suối Mỡ mát lạnh. Bên cạnh đó, bạn sẽ được và lắng nghe câu chuyện cảm động về công chúa Quế Mị Nương – con gái vua Hùng Định Vương, người có công mở suối mang lại nguồn nước cho nhân dân trong vùng.
Ngoài ra, ở khu du lịch còn có đền thờ Đức Thánh Trần và một số dấu tích của quân đội thời Trần chống quân phong kiến phương Bắc xâm lược rất thích hợp cho những người muốn tìm hiểu về lịch sử nước nhà.
9. Chùa Bổ Đà
Chùa có tên gọi chính xác là chùa Quán Âm nằm trên núi Bổ Đà. Người dân hay gọi tắt là chùa Bổ hay Tứ Ân Tự, tọa lạc ở vị trí đắc địa phong thuỷ, nằm về phía Bắc của chân núi Phượng Hoàng thuộc dãy núi Bổ Đà, từ đây nhìn về xa xa là dòng sông Cầu thơ mộng.
Dân gian xưa có câu thành ngữ “Bắc Bổ Đà – Nam Hương Tích” đã lưu truyền trong dân gian qua nhiều thế kỷ, điều đó cho thấy nơi đây là một trong hai đạo tràng Quán Thế Âm lớn ở miền Bắc nước ta. Nằm ở bên trái khu Nội tự và Vườn chùa là vườn tháp chùa Bổ Đà nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của các tăng ni dòng thiền Lâm Tế, đây là khu vườn tháp độc đáo bậc nhất Việt Nam.
10. Bản Đá Húc
Bản Đá Húc cách trung tâm xã Bình Sơn, Huyện Lục Nam chừng 8Km. Ngay phía bìa rừng là những ngôi nhà của bà con đồng bào Cao Lan, và nổi bất nhất có lẽ là đình làng cổ bản Đá Húc. Phía sau rừng là của một rừng lim xanh bạt ngàn, đây cũng là báu vật của đồng bào Cao Lan, được bà con chăm sóc và bảo vệ.
Nơi này từng bị thực dân Pháp phá rất nặng nề, nhưng rừng lim xanh vẫn đứng đó xanh ngắt, bán chặt lấy đất như dân làng bám chặt lấy quê hương. Đến đây ngoài được ngắm cánh rừng lim xanh, ban có thể vào những ngôi nhà của người dân địa phương, tìm hiểu nét đẹp văn hóa của người Cao Lan.
Du lịch Bắc Giang có đặc sản gì?
Vải Thiều Lục Ngạn
Mỳ Chũ
Rượu làng Vân
Rượu làng Vân được mệnh danh là “Mỹ tửu xứ Bắc”, là một loại rượu lâu đời nhất và nổi tiếng nhất ở miền Bắc Việt Nam. Nó được làm ra ở làng Vân (ấp Yên Viên), xã Văn Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đây là một loại gạo nếp nổi tiếng ở miền Bắc Việt Nam. có hạt to, tròn, thơm và dẻo. Đặc trưng của rượu Làng Vân là màu trong như thủy tinh, hương vị êm dịu và mùi thơm. Đi du lịch Bắc Giang, bạn có thể mua rượu làng Vân về làm quà, các bố sẽ rất thích món quà này.
Bánh đa Thổ Hà
Bánh đa Kế
Xã Dĩnh Kế của thành phố Bắc Giang có tổng cộng là 11 thôn nhưng có đến hơn nửa làm bánh đa, trong đó bánh đa của ngôi làng cổ có tên gọi làng Kế và nổi tiếng hơn cả bởi hương vị độc đáo và thơm ngon không giống với bất cứ nơi đâu. Món đặc sản này khá dễ bắt gặp nên khi đi du lịch Bắc Giang, hãy nếm thử bánh đa Kế nhé!
Cam sành Bố Hạ
Gà đồi Yên Thế
Bún Đa Mai
Bánh vắt vai
Tương La
Du lịch Bắc Giang nên ở đâu?
Khách sạn Mường Thanh Bắc Giang: đạt tiêu chuẩn 4 sao với 192 buồng phòng.
- Địa chỉ: Quảng trường 3/2, đường Hoàng Văn Thụ, phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
- Điện thoại: 0240 3542 888
Khách sạn Ravatel Inn gồm 161 buồng phòng, đạt tiêu chuẩn 4 sao
- Địa chỉ: Số 1 Đường Hùng Vương 1, Phường Lê Lợi, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang
- Hotline: 0948 68 29 68 – 0974 83 84 86
Yên Tử Tây Homestay Bắc Giang
- Địa chỉ: Xã Bình Sơn, Huyện Lục Nam, Bắc Giang
- Điện thoại: 0971218111
Ken homestay Bắc Giang
- Địa chỉ: Xã Bình Sơn, Huyện Lục Nam, Bắc Giang
- Điện thoại: 091 298 88 65
Nhà nghỉ Hương Sơn
- Địa chỉ: 84 Hoàng Văn Thụ, Tp. Bắc Giang, Bắc Giang
- Điện thoại: 0204 6260 666
Chuỗi homestay Aloha Bắc Giang
- Địa chỉ: số F22- Thanh Hiền, Lạng Giang.
- Điện thoại: 0240 6252 525
Vừa rồi, Checkin Việt Nam đã chia sẻ với bạn những thông tin cần thiết khi đi du lịch Bắc Giang chơi gì? Ăn gì? Ở đâu? Chúc bạn có mọt chuyến đi có những trải nghiệm thú vị và nhiều ý nghĩa.
Bài viết làm mình muốn đi Bắc Giang ngay quá!